Philip P. Bliss
Philip Paul Bliss (1838-1876) là một nhạc sĩ, một nhạc trưởng, và là một ca sĩ hát thánh ca cho các chương trình truyền giảng của nhà truyền giảng Dwight L. Moody. Philip Paul Bliss cũng là tác giả của rất nhiều thánh ca nổi tiếng, trong số đó có Almost Persuaded, Hallelujah, What a Saviour!, Let the Lower Lights Be Burning (Hãy Chiếu Giống Hải Đăng), Wonderful Words of Life (Lời Dịu Dàng), … Philip Paul Bliss cũng là người viết giai điệu cho bài thánh ca nổi tiếng It Is Well with My Soul ( Tâm Linh Tôi An Ninh) của Horatio Spafford.
Mục lục
Gia Cảnh
Philip Paul Bliss sinh ngày 9/7/1838 tại Clearfield County, Pennsylvania trong một gia đình nghèo. Cha của ông là Isaac Bliss, một tín hữu Tin Lành Tin Lành Giám Lý, và mẹ của ông là Lydia Doolittle. Cha mẹ ông thành hôn vào ngày 7/6/1831. Isaac Bliss (1797-1864) xuất thân từ một gia đình đông con; ông có đến 16 anh em. Gia đình Isaac và Lydia Bliss có năm người con. Philip P. Bliss kể lại rằng dầu cha mình rất nghèo phải làm việc vất vả suốt ngày để nuôi sống gia đình nhưng ông lúc nào cũng vui vẻ, ca hát và tin cậy nơi Chúa. Issac Bliss dạy các con mình phải cầu nguyện mỗi ngày. Isaac Bliss yêu thích âm nhạc và cho phép con trai của mình là Philip P. Bliss phát triển tài năng ca hát. Năm 1844, khi Philip P. Bliss còn nhỏ, cả gia đình dọn về Kinsman, Trumbull County thuộc tiểu bang Ohio. Ba năm sau (1847), gia đình cha mẹ ông lại dọn trở về tiểu bang Pennsylvania; lúc đầu tạm trú tại Espeyville, Crawford County; một năm sau gia đình lại dọn về Tioga County. Vì nhà nghèo, Philip P. Bliss không được đi học chính thức. Cậu bé chỉ được mẹ dạy tại nhà, và tài liệu dạy học là Kinh Thánh. Lúc mười tuổi, trong khi đi bán rau giúp gia đình kiếm sống, lần đầu tiên cậu bé Philip P. Bliss nghe tiếng đàn piano. Năm mười một tuổi, Philip P. Bliss bắt đầu đi làm mướn tại các nông trại để giúp gia đình. Sau đó, trong lứa tuổi thiếu niên, Philip P. Bliss di chuyển từ nơi này sang nơi khác giữa hai tiểu bang Pennsylvania và New York làm việc kiếm tiền giúp cho gia đình: khi thì làm tại nông trại, lúc khác phụ việc tại những trại đốn gỗ và các trại cưa. Thỉnh thoảng Philip P. Bliss đến trường để học thêm xen kẻ với thời gian làm việc.
Dạy Học
Vừa đi làm vừa đi học, đến năm 17 tuổi, Philip P. Bliss hoàn tất xong những đòi hỏi cần thiết để có thể xin đi dạy học. Năm 1856, Philip P. Bliss được 18 tuổi, đã trở thành hiệu trưởng của một trường học nhỏ tại Hartsville tại tiểu bang New York. Trong mùa học sinh đi học, Philip P. Bliss làm thầy giáo; đến mùa hè, chàng lại trở về làm việc tại nông trại với những nông dân. Năm 1857, Philip P. Bliss gặp J. G. Towner, là người đã dạy Philip. P. Bliss kỹ thuật hát. Towner nhận biết tài năng của Philip P. Bliss và dạy chàng thanh niên bài học thanh nhạc chính quy đầu tiên. Cũng trong thời gian này, Philip P. Bliss đã gặp William B. Bradbury, một nhạc sĩ và là nhà biên soạn thánh ca nổi tiếng vào thời đó. Philip P. Bliss ngưỡng mộ William B. Bradbury . William B. Bradbury đã khuyên Philip P. Bliss nên học thêm để trở thành giáo viên dạy nhạc.
Dạy Nhạc
Sau nhiều năm theo đuổi âm nhạc, Philip P. Bliss đã viết một số ca khúc và giai điệu. Tác phẩm đầu tiên của Philip P. Bliss được bán là một sáng tác viết cho sáo. Năm 1858, Philip P. Bliss nhận lời làm việc cho Rome Academy tại Pennsylvania. Tại Rome, Pennsylvania, Philip P. Bliss đã gặp Lucy J. Young; hai người yêu nhau và thành hôn vào ngày 1/6/1859. Lucy J. Young xuất thân từ một gia đình có truyền thống âm nhạc. Cô khuyến khích người chồng trẻ tuổi của mình phát huy tài năng âm nhạc. Lucy J. Young là một tín hữu Tin Lành Presbyterian (Trưởng Lão - Trưởng Nhiệm). Philip P. Bliss đã theo vợ sinh hoạt tại nhà thờ Presbyterian. Năm 22 tuổi (1860), Philip P. Bliss trở thành giáo viên dạy nhạc lưu động. Trong trách nhiệm này, hằng tuần thầy giáo trẻ cỡi ngựa chở theo cây đàn phong cầm đi từ nơi này sang nơi khác dạy nhạc cho học trò. Nhằm giúp Philip P. Bliss được học nhạc cách chính quy, bà nội vợ của Philip P. Bliss đã cho chàng mượn 30 đô-la để ghi danh học nhạc sáu tuần tại Normal Academy of Music tại New York. Sau đó, Philip P. Bliss được nhìn nhận là một chuyên gia về âm nhạc tại địa phương. Philip P. Bliss vẫn tiếp tục công việc dạy nhạc lưu động; tuy nhiên ông bắt đầu chuyển hướng sang sáng tác. Trong giai đoạn này, Philip P. Bliss đã sáng tác rất nhiều nhưng không một tác phẩm nào đăng ký bản quyền.
Tham Gia Công Tác Truyền Giảng
Năm 1864, Philip P. Bliss dời về sống tại thành phố Chicago, và bắt đầu được biết đến như là một ca sĩ và là một giáo viên âm nhạc. Lúc đó, Philip P. Bliss được 26 tuổi. Tại Chicago, Philip P. Bliss sáng tác thánh ca. Philip P. Bliss được trả 100 đô-la để thực hiện một chuyến lưu diễn chỉ có hai tuần. Xuất thân từ một gia đình nghèo, làm việc thật vất vả mới kiếm được một ít tiền, Philip P. Bliss kinh ngạc vì không ngờ có thể kiếm được rất nhiều tiền một cách dễ dàng như vậy. Tuy nhiên, chỉ một tuần sau đó, Philip P. Bliss bị động viên vào quân đội miền Bắc Hoa Kỳ (Union Army). Philip P. Bliss đã gia nhập trung đoàn 149 trú đóng tại Pennsylvania. Điều may mắn cho Philip P. Bliss là lúc đó nội chiến Hoa Kỳ sắp đến hồi kết thúc. Vài tuần sau đó, lệnh động viên bị bãi bỏ nên Philip P. Bliss trở về cuộc sống bình thường. Sau đó, Philip P. Bliss thực hiện một chuyến lưu diễn nữa, nhưng lần này thất bại. Tuy nhiên, chàng được mời làm việc tại nhà xuấn bản âm nhạc Root & Cady Musical Publishers với tiền lương 150 đô-la một tháng. Philip P. Bliss đã làm việc tại đây từ năm 1865 cho đến 1873. Ông đã tổ chức những hội nghị âm nhạc, những chương trình ca nhạc tại các trường học, và những buổi hòa nhạc. Trong thời gian này, Philip P. Bliss tiếp tục sáng tác thánh ca và xuất bản những bài hát này trong những cuốn sách được phát hành bởi công ty mà ông làm việc cho họ. Năm 1869, Philip P. Bliss hiệp tác với nhà truyền giảng Dwight L. Moody. Nhà truyền giảng Moody và nhiều người khác đã kêu gọi Philip P. Bliss hãy từ bỏ công việc mà ông đang làm để trở thành một ca sĩ hát cho các chương trình truyền giảng. Đến năm 1874, Philip P. Bliss được kêu gọi vào công các cứu rỗi linh hồn. Ông trở thành một nhà truyền giảng trọn thời gian. Philip P. Bliss kiếm được rất nhiều tiền bản quyền từ những tác phẩm mà ông sáng tác; ông dâng những số tiền đó vào các chương trình thiện nguyện, cũng như trang trải cho những chương trình truyền giảng mà ông thực hiện.
Về Với Chúa
Ngày 29/12/1876, Philip P. Bliss và vợ gởi hai con lại tại Rome, Pennsylvania, rồi đón xe lửa Pacific Express đi Chicago. Khi đoàn tàu đi ngang qua một cây cầu, gần đến Ashtabula, Ohio, cây cầu bị sập. Các toa xe bốc cháy. Nhiều toa xe rơi từ trên cầu xuống vực sâu khoảng 300 mét bên dưới. Khi tai nạn xảy ra, Philip P. Bliss thoát nạn, nhưng ông thấy vợ bị kẹt trong một toa xe đang bị cháy nên quay lại tìm cách cứu vợ mình. Toa xe bốc cháy. Philip P. Bliss và vợ, cùng 90 người khác đã thiệt mạng trên chuyến tàu có 159 hành khách.
Di Sản
Điều lạ lùng là một trong những rương hành lý của ông không bị thiêu hủy trong cơn hỏa hoạn. Trong chiếc rương đó, một số bài thánh ca mà ông đã viết lời nhưng chưa viết nhạc, vẫn còn nguyên vẹn. Một thời gian sau, nhạc sĩ James McGranahan đã viết nhạc cho một số bài thánh ca đó. Bài thánh ca I Will Sing of My Redeemer của Philip P. Bliss, do James McGranahan viết nhạc, là một trong những bài hát đầu tiên đã được khoa học gia Thomas Alva Edison chọn thu âm, khi máy thu âm được phát minh. Philip P. Bliss về với Chúa để lại hai con nhỏ là George và Philip Paul lúc đó mới được 4 và 1 tuổi. Những bài thánh ca của Philip P. Bliss lúc đó đã được các tín hữu khắp nơi yêu thích. Khi biết hai đứa con của ông bà còn sống trong khi cha mẹ đã về với Chúa; chỉ trong một thời gian rất ngắn trong năm 1877, các học viên trong các lớp Trường Chúa Nhật tại Hoa Kỳ đã quyên góp một số tiền rất lớn để giúp cho các em. Theo tài liệu của Philip P. Bliss Gospel Songwriters Museum, những tác phẩm âm nhạc do Philip P. Bliss sáng tác hoặc biên soạn là: The Charm (1871); The Song Tree - tuyển tập những tác phẩm cho ban nhạc (1872); The Sunshine - những bài hát cho Trường Chúa Nhật (1873); The Joy - những bài hát cho ban hát dùng tại Hội Thánh và các hội đồng (1873); và Gospel Songs – thánh ca dành cho các chương trình truyền giảng và Trường Chúa Nhật (1874). Tất cả những sách này đều do John Church & Co giữ bản quyền. Thêm vào đó, vào năm 1875, Philip P. Bliss đã cùng với Ira D. Sankey, tổng hợp và biên tập Gospel Hymns and Sacred Songs. Năm 1876, ông đang chẩn bị Gospel Hymns No. 2. Hai cuốn sách này đã được John Church & Co. cùng với Biglow & Main xuất bản. Những bài hát do Philip P. Bliss sáng tác đều do John Church & Co giữ bản quyền. Nhiều thánh ca của Philip P. Bliss được in trong các sách nhạc của George F. Root và Horatio R. Palmer. Một số thánh ca khác được in thành những tờ nhạc rời. Phần lớn những thánh ca nổi tiếng của Philip P. Bliss được in trong The Prize, một thánh ca cho các lớp Trường Chúa Nhật được George F. Root phát hành vào năm 1870. Vài tháng sau khi Philip P. Bliss về với Chúa, Daniel Webster Whittle một nhạc sĩ từng cộng tác với Philip P. Bliss và nhà truyền giảng Dwight L. Moody đã viết cuốn Memoirs of Philip P. Bliss, được A. S. Barnes and Company xuất bản vào năm 1877. Qua những chương trình truyền giảng của nhà truyền giảng Dwight L. Moody, những thánh ca của Philip P. Bliss loan truyền tại Hoa Kỳ, sang châu Âu, và sau đó được dịch sang nhiều thứ tiếng tại nhiều nơi trên thế giới. Trong cuốn thánh ca của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam xuất bản vào năm 1950, có 12 thánh ca do Philip P. Bliss viết nhạc, lời, hay cả hai. Những bài hát đó là:
- 1. Ngợi Khen Cứu Chúa
- 2. Ánh Sáng Của Thế Giới Duy Jesus
- 3. Thống Khổ Nhân
- 4. Ta Hi Sinh Vì Con
- 5. Lời Dịu Dàng
- 6. Mắt Ta Hằng Dắt Ngươi
- 7. Hãy Chiếu Giống Hãy Đăng
- 8. Jesus Hằng Yêu Mến Tôi
- 9. Nguyện Đời Tôi Dâng Chúa
- 10. Tâm Linh Tôi An Ninh Thay!
- 11. Cứu Chúa Tôi
- 12. Đêm Thánh Thay!
Tham Khảo
- Châu Thanh, Philip P. Bliss, Thư Viện Tin Lành (2015)
- Thánh Ca Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (1950).
- Thánh Ca Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Miền Nam (2011)
- Thánh Ca - Thư Viện Tin Lành