Thư Ga-la-ti
Ga-la-ti là một sách trong Thánh Kinh Tân Ước. Nội dung của sách được viết dưới hình thức một bức thư, cho nên sách Ga-la-ti còn được gọi là Thư Ga-la-ti.
Mục lục
Tác giả
Tác giả của Thư Ga-la-ti là Sứ đồ Phao-lô. Chi tiết này được ghi lại trong những câu đầu tiên của bức thư (Ga-la-ti 1:1-2). Trong Ga-la-ti 5:2, Sứ đồ Phao-lô đã nhắc lại tên của mình một lần nữa rồi nhấn mạnh với các tín hữu tại Ga-la-ti rằng việc làm theo luật pháp là phủ nhận giá trị hy sinh cứu rỗi của Đức Chúa Jesus. Trong phần kết của bức thư, Sứ đồ Phao-lô cho biết chính tay ông đã viết bức thư này (Ga-la-ti 6:11). Dựa vào những dữ kiện trên, các nhà nghiên cứu xác nhận Sứ đồ Phao-lô là tác giả của Thư Ga-la-ti.
Trong Tân Ước có 14 thư tín được ghi nhận là do Sứ đồ Phao-lô viết, tuy nhiên không phải tất cả các nhà nghiên cứu đều đồng ý với quan điểm này. Dầu vậy có một số thư tín – trong đó có Rô-ma, I & II Cô-rinh-tô, Ga-la-ti, Phi-líp, Phi-lê-môn, I Tê-sa-lô-ni-ca – hầu hết các học giả đều công nhận rằng Sứ đồ Phao-lô chính là tác giả. Cách hành văn và lập luận trong những thư tín này đã được dùng như là tiêu chuẩn để thẩm định những thư tín khác có phải là do Sứ đồ Phao-lô viết hay không.
Người nhận thư
Người nhận Thư Ga-la-ti là các tín hữu sống tại Ga-la-ti (Γαλατία – Galatia).
Vào thế kỷ thứ nhất, Ga-la-ti là một vùng đất nằm trên cao nguyên Anatolia, thuộc địa phận của hai tỉnh Ankara và Eskişehir thuộc Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) ngày nay. Vào thế kỷ thứ 3 T.C., người Celtics – còn gọi là người Gaul – sống tại khu vực Trung Âu tại Bỉ, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, và miền Nam nước Ý, đã di cư đến sống tại cao nguyên Anatolia rồi thành lập một vương quốc gọi là Ga-la-ti. Các ký thuật trong lịch sử La Mã cho biết năm 64 T.C. vương quốc Ga-la-ti đã giao tiếp với Đế quốc La Mã. Đến năm 25 T.C., vua Amyntas – vị vua cuối cùng của vương quốc Ga-la-ti – băng hà. Sau đó, Đế quốc La Mã đã sáp nhập lãnh thổ của vương quốc Ga-la-ti vào Đế quốc La-mã, rồi thành lập tỉnh Ga-la-ti, bao gồm cả vùng đất của vương quốc Ga-la-ti cũ, cùng với lãnh thổ của những vùng phụ cận như Pontus, Phrygia, Lycaonia, Pisidia, Paphlagonia, và Isauria.
Tỉnh Ga-la-ti của Đế quốc La Mã bao gồm nhiều thành phố và thị trấn. Trong số đó có bốn thành phố ở phía nam đã được nhắc đến trong chuyến hành trình truyền giáo đầu tiên của Sứ đồ Phao-lô, đó là An-ti-ốt (Antioch) thuộc xứ Bi-si-đi (Pisidia), Y-cô-ni (Iconium), Lít-trơ (Listra), và Đẹt-bơ (Derbe) (Công Vụ 13:14-14:27). Lít-trơ và Đẹt-bơ là hai thuộc địa của Đế quốc La-mã. Trong khi đó, An-ti-ốt và Y-cô-nia là hai thành phố chịu ảnh hưởng của văn hóa La Mã.
Thư Ga-la-ti đã được viết cho “các hội thánh tại Ga-la-ti” (Ga-la-ti 1:2). Có một câu hỏi được các nhà nghiên cứu nêu lên đó là Thư Ga-la-li đã được viết cho những người Ga-la-ti nguyên thủy, thuộc vương quốc Ga-la-ti nằm ở phía bắc của tỉnh Ga-la-ti, hay bức thư được gởi cho các hội thánh thuộc một vùng đất rộng lớn hơn gồm nhiều dân tộc khác ở phía nam, và tất cả đều trực thuộc tỉnh Ga-la-ti của Đế quốc La Mã.
Thời gian
Dựa vào nội dung ký thuật trong Thư Ga-la-ti, chúng ta biết Thư Ga-la-ti không thể được viết trước năm 50 S.C. Trong Ga-la-ti 1:15-18, Sứ đồ Phao-lô cho biết sau khi ông tin Chúa được 3 năm, ông đã đến gặp Sứ đồ Phi-e-rơ và Gia-cơ, là em trai của Đức Chúa Jesus, tại Jerusalem. Sau đó, trong Ga-la-ti 2:1, Sứ đồ Phao-lô cho biết 14 năm sau, ông đã đến Jerusalem một lần nữa cùng với Ba-na-ba và Tít. Như vậy Thư Ga-la-ti đã được viết ít nhất 17 năm sau khi Sứ đồ Phao-lô tin Chúa. Nếu Phao-lô tin Chúa ngay trong năm đầu tiên lúc Đức Chúa Jesus thăng thiên, tức năm 33 S.C., phải mất thêm 17 năm nữa trước khi Thư Ga-la-ti được viết, như vậy Thư Ga-la-ti không thể được viết trước năm 50 S.C.
Dựa vào nội dung Thư Ga-la-ti và Thư Rô-ma, các nhà nghiên cứu cho rằng Thư Ga-la-ti đã được viết trước Thư Rô-ma. Thư Rô-ma đã được viết vào khoảng thời gian 55-57 S.C., như vậy Thư Ga-la-ti đã được viết vào năm nào?
Có vài giả thuyết khác nhau về thời gian Thư Ga-la-ti được viết, dựa vào câu hỏi ai thật sự là người nhận Thư Ga-la-ti.
Giả thuyết thứ nhất cho rằng những người nhận Thư Ga-la-ti là tín hữu tại các hội thánh thuộc phía nam của tỉnh Ga-la-ti, đó là các Hội Thánh An-ti-ốt thuộc xứ Bi-si-đi, Y-cô-ni, Lít-trơ, và Đẹt-bơ mà Sứ đồ Phao-lô đã thiết lập trong chuyến truyền giáo lần thứ nhất (Công Vụ 13:14-14:27). Chuyến truyền giáo thứ nhất đã được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 47-48 S.C. Thư Ga-la-ti 1:6 nhắc đến các tín hữu tại Ga-la-ti đã có thái độ vội vàng lìa bỏ niềm tin mà họ đã được hướng dẫn từ ban đầu, cho nên có ý kiến cho rằng Thư Ga-la-ti đã được viết sớm nhất, vì phải sau năm 50 S.C. như đã nói ở trên, cho nên có lẽ vào khoảng năm 51 S.C.
Giả thuyết thứ hai cho rằng những người nhận Thư Ga-la-ti là các tín hữu tại cả tỉnh Ga-la-ti, bao gồm cả những người sống tại vùng đất phía bắc, thuộc vương quốc Ga-la-ti cũ, bởi vì họ mới thật sự được gọi là người Ga-la-ti. Kinh Thánh không ghi rõ là Sứ đồ Phao-lô đã thành lập các hội thánh tại vùng phía bắc của tỉnh Ga-la-ti, nhưng Kinh Thánh có ký thuật rằng ông đã đến thăm khu vực này vài lần. Lần thứ nhất Sứ đồ Phao-lô chỉ đi ngang qua Ga-la-ti và Phi-ri-gi rồi đến My-si (Công Vụ 16:6). Lần thứ hai, Sứ đồ Phao-lô đến thăm các tín hữu tại Ga-la-ti và Phi-ri-gi và làm cho đức tin của họ được vững mạnh (Công Vụ 18:23). Những lần viếng thăm này xảy ra trong chuyến hành trình truyền giáo lần thứ hai, kéo dài từ cuối năm 49 S.C. đến năm 52 S.C. Thư Ga-la-ti được viết sau khi Sứ đồ Phao-lô đến thăm các Hội Thánh tại Ga-la-ti, cho nên thời gian viết thư chỉ có thể xảy ra sau năm 52 S.C.
Có một ý kiến khác cho rằng bởi vì Sứ đồ Phao-lô đã không nhắc đến quyết định của Giáo Hội Nghị tại Jerusalem là không yêu cầu các tín hữu ngoại quốc gìn giữ giáo nghi Do Thái giáo để binh vực quan điểm của ông trong Thư Ga-la-ti; do đó, có ý kiến cho rằng Thư Ga-la-ti phải được viết trước khi Giáo Hội Nghị Jerusalem diễn ra. Vì Giáo Hội Nghị Jerusalem diễn ra vào năm 48-49 S.C., và chuyến truyền giáo thứ nhất đã được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 47-48 S.C., cho nên Thư Ga-la-ti có lẽ đã được viết vào khoảng đầu năm 48 S.C. Tuy nhiên, ý kiến này không được Kinh Thánh ủng hộ bởi vì đã xảy ra trước khoảng thời 17 năm sau khi Sứ đồ Phao-lô tin Chúa (Ga-la-ti 1:15-2:1).
Có một ý kiến khác ủng hộ quan điểm trên đó là cụm từ “Sau đó mười bốn năm” trong Ga-la-ti 2:1 có thể hiểu là đã tính luôn 3 năm mà Phao-lô đã nhắc đến trong Ga-la-ti 1:15-18. Nếu hiểu như vậy, Sứ đồ Phao-lô, Ba-na-ba và Tít đã đến Jerusalem vào đầu năm 47 S.C (Ga-la-ti 1:15-18). Sau đó, Phao-lô và Ba-na-ba đã thực hiện chuyến truyền giáo đầu tiên từ vào cuối năm 47 đến khoảng đầu năm 48 S.C. (Công Vụ 13-14). Vài tháng sau cũng trong năm 48 S.C., Sứ đồ Phao-lô viết thư Ga-la-ti (Ga-la-ti 1), và rồi cuối năm 48 S.C., Sứ đồ Phao-lô và Ba-na-ba đã về dự hội nghị tại Jerusalem (Công Vụ 15). Như vậy Thư Ga-la-ti phải được viết tại Hội Thánh An-ti-ốt trước khi Sứ đồ Phao-lô đi Jerusalem.
Dựa vào những phân tích trên, các học giả cho rằng Thư Ga-la-ti đã được viết trong khoảng thời gian hoặc từ năm 48-57 S.C., hoặc từ năm 51-57 S.C. Vì vậy, Thư Ga-la-ti là thư tín đầu tiên, và cũng có thể là sách đầu tiên, được viết trong Tân Ước, bởi vì Phúc Âm Mác, là Phúc Âm mà đa số các nhà nghiên cứu cho rằng đó là Phúc Âm đầu tiên đã được viết trong Tân Ước, chỉ được viết vào khoảng năm 66 – 70 S.C.
Bối cảnh viết thư
Không bao lâu sau khi Sứ đồ Phao-lô rời Ga-la-ti, những người tin Chúa gốc Do Thái đã đến với các Hội Thánh tại Ga-la-ti. Họ dạy các tín hữu tại Ga-la-ti rằng tin Đức Chúa Jesus thì tin, nhưng các tín hữu tại Ga-la-ti phải giữ lễ cắt bì của Do Thái giáo (6:12-13). Để lung lạc niềm tin của các tín hữu mới, họ chất vấn và gây nghi ngờ với các tân tín hữu về thẩm quyền chức vụ Sứ Đồ của Phao-lô và nội dung của Phúc Âm mà ông rao giảng.
Sứ đồ Phao-lô hiểu rõ sự thâm độc và mối nguy hại của những sự dạy dỗ sai lạc này. Nếu các tín hữu Ga-la-ti chịu cắt bì, thì đây là bước thụt lùi đầu tiên để đưa đến việc tuân giữ cả luật pháp (5:3). Điều này có nghĩa là quay lại với tình trạng nô lệ (4:9) và bị xiềng xích thuộc linh (5:1). Sự dạy dỗ này trái ngược với Phúc Âm của Chúa. Phúc Âm của Chúa công bố rằng sự cứu rỗi được ban cho bởi ân điển của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 2:8 ) và con người nhận được sự cứu rỗi nhờ đức tin nơi Đức Chúa Jesus chứ không cần phải làm một điều gì khác (2:16, 3:11). Nếu người tin Đức Chúa Jesus phải làm thêm bất kỳ điều gì khác để nhận được sự cứu rỗi, thì sự cứu rỗi không phải là ân điển nữa. Nói một cách khác, hành động mà người tin Chúa phải làm thêm một điều gì đó nữa để đạt được sự cứu rỗi, là hành động phủ nhận giá trị sự hy sinh của Đức Chúa Jesus, bởi vì khi làm như vậy, người tin Chúa gián tiếp cho rằng sự hy sinh của Đức Chúa Jesus chưa đủ để đền tội cho loài người. Sứ đồ Phao-lô đã viết Thư Ga-la-ti và nhấn mạnh rằng con người được xưng công chính chỉ bởi đức tin mà thôi (2:16; 3:24).
Thêm vào đó, để bảo vệ cho giá trị của Phúc Âm mà ông rao giảng, Sứ đồ Phao-lô đã bênh vực cho chức vụ Sứ Đồ của ông. Ông cho biết ông đã được chọn làm Sứ đồ bởi chính Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus chứ không phải bởi thẩm quyền của loài người (1:1). Vì tầm quan trọng liên đới trong mối quan hệ giữa sứ điệp (Phúc Âm) và sứ giả (Sứ Đồ), cho nên nhiều lần về sau, Sứ đồ Phao-lô đã nhắc lại thẩm quyền chức vụ Sứ Đồ của mình trong các thư tín khác như trong Rô-ma 1:1, I Cô-rinh-tô 1:1, II Cô-rinh-tô 1:1, Ê-phê-sô 1:1, Cô-lô-se 1:1, I Ti-mô-thê 1:1, và II Ti-mô-thê 1:1.
Nội Dung
Trong Thư Ga-la-ti, Phao-lô đã bênh vực cho chức vụ Sứ Đồ của mình. Ông cũng nhấn mạnh đến chân lý của Phúc Âm, quyền được công bố Phúc Âm, quyền được thành lập Hội Thánh, và chăm sóc Hội Thánh. Sứ Đồ Phao-lô nhấn mạnh rằng cả Phúc Âm (1:11-12) lẫn chức vụ Sứ Đồ của ông đều đến từ Chúa (1:1).
Sứ Đồ Phao-lô khẳng định rằng cốt lõi của Phúc Âm là sự cứu chuộc mà con người chỉ có được nhờ ân điển của Chúa. Khi các tín hữu tại Ga-la-ti muốn quay trở lại với Luật Pháp, Sứ Đồ Phao-lô giải thích rằng Luật Pháp không đem lại sự cứu rỗi nhưng chỉ được dùng để buộc tội. Thực hành những nghi lễ và làm việc thiện với mục đích đạt được sự cứu chuộc chỉ là hành động làm hủy hoại ân điển. Không một ai có thể được chấp nhận bởi Đức Chúa Trời nhờ bất kỳ điều nào khác ngoại trừ ân điển được ban cho miễn phí từ Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Jesus. Người tin Chúa thêm vào bất kỳ điều gì khác để được cứu rỗi là phủ nhận giá trị sự hy sinh của Đức Chúa Jesus (Ga-la-ti 2:21).
Sứ Đồ Phao-lô nhấn mạnh Đức Chúa Trời ban ân điển cho con người. Con người có thể đón nhận ân điển đó nhờ đức tin (2:16; 3:24). Đó chính là đặc điểm cốt lõi của Phúc Âm.
Kết quả của ân điển và đức tin đó là sự tự do (5:1); tuy nhiên sử dụng sự tự do để sống buông thả là một hành động sai lầm (5:13). Người tin Chúa đã khởi đầu cuộc đời mới bởi ân điển, được trở thành con của Đức Chúa Trời (Ga-la-ti 3:26) và được Thánh Linh ngự trị trong cuộc đời của mình (Ga-la-ti 4:6), vì vậy người tin Chúa cần tiếp tục sống trong ân điển và dưới sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh (Ga-la-ti 5:25). Kết quả của ân điển là những kết quả xuất phát từ Đức Thánh Linh (5:22).
Bố Cục
- 1:1-5 – Lời mở đầu
- 1:6-2:21 – Thẩm quyền của Phúc Âm
- 1:6-1:10 – Không có một Phúc Âm nào khác
- 1:11-1:12 – Phúc Âm được mặc khải cách thiên thượng
- 1:13-1:24 – Chức vụ rao truyền Phúc Âm là do Chúa chọn
- 2:1-2:10 – Xác định trách nhiệm công bố Phúc Âm cho người ngoại quốc
- 2:11-2:14 – Tầm quan trọng của việc giảng và sống Phúc Âm
- 2:15-2:21 – Trọng tâm của Phúc Âm là sự được xưng công chính bởi Đấng Christ
- 3:1-4:31 – Khác biệt giữa Phúc Âm và Luật Pháp
- 3:1-3:14 – Đức tin và luật pháp
- 3:15:-3:25 – Lời hứa và luật pháp
- 3:26-4:7 – Địa vị làm con
- 4:8-4:11- Đừng trở lại địa vị nô lệ
- 4:12-4:20 – Lời thuyết phục chân thành
- 4:21-6:10 – Giá trị của sự tự do
- 4:21-4:31 – Con của người nô lệ và con của người tự do
- 5:1-5:15 – Quyền tự do trong Đấng Christ
- 5:16-5:26 – Sống theo Đức Thánh Linh
- 6:1-6:5 – Sống đạo
- 6:6-6-10 – Gieo và gặt
- 6:11-6:18 – Kết luận
Tóm Lược
Sứ Đồ Phao-lô đã viết thư Ga-la-ti để giải thích cho các tín hữu tại Ga-la-ti mối nguy hiểm về những dạy dỗ sai lạc của người Do Thái trong các hội thánh tại đó. Những người Do Thái đã nói rằng bên cạnh đức tin, người tin Chúa còn phải thực hiện nghi lễ Do Thái giáo như phép cắt bì, để được cứu rỗi. Sứ Đồ Phao-lô giải thích rằng một người được xưng công chính không phải nhờ vào việc làm nhưng bởi đức tin trong Đấng Christ Jesus. Không một ai được xưng công chính bởi những công việc của luật pháp (2:16).
Tài Liệu Tham Khảo
- Phước Nguyên: Sách Ga-la-ti
- Kinh Thánh - Bản Dịch 1926 - Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Hải Ngoại
- Kinh Thánh - Bản Dịch 2011 - Mục sư Đặng Ngọc Báu
- Kinh Thánh - Bản Dịch Việt Ngữ - Thư Viện Tin Lành
- Kinh Thánh - Bản Dịch Ngữ Căn - Thư Viện Tin Lành
- Kinh Thánh - Bản Dịch Đại Chúng - Thư Viện Tin Lành
- Ê-phê-sô
- Bách Khoa Từ Điển Tin Lành