Lô Lô
Lô Lô là một dân tộc thiểu số, sống tại một số tỉnh tại miền bắc Việt Nam. Chữ “Lô” trong ngôn ngữ của người Lô Lô có nghĩa là “con cọp” (hổ). Người Lô Lô gọi dân tộc của họ là dân tộc Hổ Hổ.
Ngoài nước Việt Nam, người Lô Lô còn sống tại Lào, Thái Lan, và Trung Hoa. Tại Trung Hoa, người Lô Lô được ghép vào nhóm dân tộc Yi (彝族 - Di tộc) với hơn 7 triệu rưỡi người, thuộc 90 sắc tộc, và khoảng 30 ngôn ngữ khác nhau.
Di tộc – hay man di - là cách mà người Trung Hoa dùng để gọi cách miệt thị những dân tộc mà họ cho là chưa được khai hóa - nghĩa là còn “man ri mọi rợ”. Tuy nhiên, người Lô Lô là một dân tộc có văn hóa và có chữ viết. Tại tỉnh Vân Nam của Trung Hoa, có một nhóm người Lô Lô gọi họ là dòng dõi của cọp và rồng, là dân tộc Long Hổ.
Mục lục
Tên Gọi
Bên cạnh chữ Lô Lô, người Lô Lô còn được biết đến với những tên gọi khác như Yi, Mùn Di, Ô Man, Lu Lọc Màn, Di, Qua La, La La, và Ma Di. Các tài liệu trong tiếng Anh viết về dân tộc Lô Lô đã gọi dân tộc này là Yi, Nuosuo, hay Lolo.
Dân Số
Theo thống kê dân số vào năm 2009, tại Việt Nam chỉ có 4.541 người Lô Lô. Người Lô Lô tại Việt Nam bao gồm hai nhóm là Lô Lô Trắng - hay Lô Lô Hoa - là người bình dân; và Lô Lô Đen - là người quý tộc. Hai nhóm người này có phong tục, trang phục, và nghi lễ khác nhau. Phong tục, trang phục, và nghi lễ của người Yi tại Trung Hoa và người Lô Lô tại Việt Nam cũng khác nhau.
Phân Bố
Tại Việt Nam, người Lô Lô sống chủ yếu tại ba khu vực tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng (2.373 người); huyện Đồng Văn và Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang (1.426 người); và huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai (617 người). Những người Lô Lô còn lại sống rải rác tại một số nơi khác khắp lãnh thổ Việt Nam.
Nguồn Gốc
Các nhà nghiên cứu dân tộc học hiện nay vẫn chưa đồng ý với nhau về nguồn gốc của người Lô Lô tại Việt Nam.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng nhóm người Lô Lô tại Việt Nam hiện nay là những người Lô Lô có nguồn gốc từ vùng Tây Tạng – Miến Điện, trước đây sống tại tỉnh Vân Nam, Trung Hoa. Người Lô Lô đã di cư vào Việt Nam gồm hai đợt trong thế kỷ 15 và thế kỷ thứ 18. Một giả thuyết khác được Asian Minority Outreach trình bày cho rằng nhóm người Lô Lô tại Việt Nam hiện nay thuộc sắc tộc Pu, có khoảng 65.000 người, sống tại vùng ranh giới giữa Trung Hoa và Việt Nam; và họ đã du nhập vào Việt Nam từ đó.
Ngôn Ngữ
Các nhà ngôn ngữ học đã phân loại tiếng Lô Lô là một ngôn ngữ thuộc ngữ tộc Tạng-Miến (Tibetan-Burman), trong ngữ hệ Hán-Tạng (Sino-Tibetan).
Người Lô Lô có chữ viết riêng được viết theo âm tiết. Chữ viết của người Lô Lô là chữ tượng hình, với khoảng 10.000 chữ. Dựa trên những văn kiện cổ còn lưu giữ, chữ viết của người Lô Lô đã có chậm nhất là từ thế kỷ 13. Chữ viết của người Lô Lô trong những văn kiện xưa được dùng để ghi lại những tài liệu lịch sử, những bài thuốc, những tài liệu văn học, và các gia phả. Chữ của người Lô Lô còn được tìm thấy trên nhiều bia đá và một số trống đồng.
Những văn kiện xưa của người Lô Lô cho thấy có một số dị biệt trong cách viết tại từng địa phương. Sau khi cộng sản chiếm Trung Hoa, chữ viết của người Lô Lô được tiêu chuẩn hóa. Tại Trung Hoa, chữ viết này được dùng để in sách, báo, và dùng trong các bảng hiệu; tuy nhiên chữ viết đó không phổ biến với những người Lô Lô sống tại Việt Nam.
Tín Ngưỡng
Người Lô Lô tại Việt Nam có truyền thống thờ cúng gia tiên. Trong mỗi gia đình thường có một bàn thờ trên vách tường thờ cúng những người thuộc thế hệ trước. Giống như người Việt, người con trai trưởng trong mỗi gia đình là người chịu trách nhiệm cho việc thờ phụng.
Các gia đình của người Lô Lô sống rất gần gũi với nhau thành họ tộc. Người tộc trưởng có trách nhiệm giữ trống đồng. Khi trong tộc họ có người chết, người tộc trưởng mang trống đồng ra đánh, và những người trong gia đình nhảy múa tiễn đưa người chết về nơi an nghĩ cùng tổ tiên.
Trong tang lễ, người con rể đóng một vai trò quan trọng. Người này mang một cái túi, trong đó có một cuộn vải gói giống như một trái banh, tượng trưng cho đầu của người chết, và người con rễ phải là người vác một đầu quan tài của người chết. Cũng chính vì tục lệ này, mà người Trung Hoa đã gọi người Lô Lô là “dân tộc cắt đầu người”.
Người Lô Lô phân biệt những người đã chết thành “tổ tiên gần” và “tổ tiên xa”. Những tổ tiên thuộc những người trong 5 đời trở lại được gọi là “tổ tiên gần”. Những người đã chết trước đời thứ 5 là “tổ tiên xa”.
Người Lô Lô tin vào hai vị thần là “Mit Do” và “Ket Do”. Thần “Mit Do” sáng tạo cả vũ trụ và loài người, còn thần “Ket Do” cai quản trái đất và chăm sóc người Lô Lô.
Người Lô Lô có một truyền thuyết kể rằng có một trận lụt rất lớn vào thời xa xưa đã hủy diệt cả trái đất. Chỉ có một gia đình còn sống sót được là nhờ ẩn núp trong một chiếc thuyền bằng gỗ. Ba người con trai của gia đình này là tổ phụ của cả nhân loại ngày hôm nay. Truyền thuyết này của dân tộc Lô Lô có một số điểm tương đồng với ký thuật của trận đại hồng thủy được ghi lại trong Thánh Kinh.
Truyền Giáo
Theo tài liệu của Asian Minority Outreach, 97% người Lô Lô tại Việt Nam chưa bao giờ nghe về Chúa, chỉ có khoảng 3% người Lô Lô tại Việt Nam biết một ít về Chúa, nhưng không rõ đã có người Lô Lô nào tiếp nhận Chúa hay chưa.
Xin cầu nguyện để những người Lô Lô tại Việt Nam sớm có cơ hội nhận biết về Phúc Âm của Chúa trong ngôn ngữ và phương cách mà họ có thể hiểu được. Xin Chúa ban ơn để có những người có tấm lòng góp phần vào việc truyền bá tình yêu và sự cứu rỗi của Chúa cho dân tộc Lô Lô tại Việt Nam.
Vài Hình Ảnh Về Dân Tộc Lô Lô