Biểu Tượng Của Đức Thánh Linh: Gió

Từ Thư Viện Tin Lành
Buớc tưới chuyển hướng Bước tới tìm kiếm

Kinh Thánh Cựu Ước được viết trong tiếng Do Thái (Hebrew) và Kinh Thánh Tân Ước được viết trong tiếng Hy Lạp (Greek). Nhiều lần trong cả Cựu Ước và Tân Ước, chữ gió được mô tả với những hành động và ý nghĩa liên hệ đến Đức Thánh Linh.

Ngữ Căn

Trong nguyên văn Do Thái, chữ gió được viết là רוּחַ (ruach). Chữ רוּחַ bên cạnh ý nghĩa là gió, còn có nghĩa là hơi thở, tinh thần, và thần linh. Do đó, trong Kinh Thánh, chữ gió còn được dùng làm biểu tượng cho hơi thở, sự sống, sinh khí, sinh động, động lực và năng lực. Trong nguyên văn Hy Lạp, chữ πνεύματος (pneumatos) có nghĩa là tinh thần và thần linh.

Ký Thuật Trong Kinh Thánh

Trong Kinh Thánh, tác động của Thánh Linh được so sánh với tác động của gió. Thánh Linh được mô tả như là một làn gió đến từ Đức Chúa Trời, đã tạo nên sự sống. Khái niệm này được mô tả trong Cựu Ước (Sáng Thế Ký 2:7; Ê-xê-chi-ên 37:5-10) và trong Tân Ước (Giăng 3:3-8).

Sinh Bởi Đức Thánh Linh

Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời đã tạo dựng loài người từ bụi đất. Đức Chúa Trời đã nắn nên hình thể con người từ bụi đất, và sau khi Đức Chúa Trời hà hơi thở của Ngài vào lỗ mũi của khối đất sét đó, thì con người từ một vật vô tri đã trở thành một sinh vật sống động.

"Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí (רוּחַ) vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh" (Sáng Thế Ký 2:7).

Trong câu Kinh Thánh này, chữ רוּחַ vừa diễn tả ý nghĩa là hơi thở, là một làn gió nhẹ, đồng thời cũng mang ý nghĩa là thần linh đến từ Đức Chúa Trời. Thần linh đó chính là Đức Thánh Linh - Đấng ban sự sống.

Tiên tri Ê-xê-chi-ên cũng mô tả một khải tượng diễn tả những ý nghĩa tương tự. Trong khải tượng của Tiên tri Ê-xê-chi-ên, chữ וּחַ vừa có nghĩa là hơi thở, gió, và là nguồn của sự sống. Tiên tri Ê-xê-chi-ên cho biết ông được Đức Chúa Trời đưa đến một thung lũng chứa đầy những hài cốt khô. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã phán với những hài cốt rằng Ngài sẽ ban hơi thở cho chúng và chúng sẽ sống lại.

"Chúa Giê-hô-va phán cùng những hài cốt ấy rằng: Nầy, Ta sẽ phú hơi thở vào trong các ngươi, và các ngươi sẽ sống. Ta sẽ đặt gân vào trong các ngươi, sẽ khiến thịt mọc lên trên các ngươi, và che các ngươi bằng da. Ta sẽ phú hơi thở trong các ngươi, và các ngươi sẽ sống; rồi các ngươi sẽ biết Ta là Đức Giê-hô-va" (Ê-xê-chi-ên 37:5-7).

Rồi Đức Chúa Trời truyền cho Tiên tri Ê-xê-chi-ên hãy công bố sứ điệp với những hài cốt. Sau đó, thịt và da đã mọc trở lại trên những bộ xương khô. Tuy nhiên, vì không có sự sống cho nên trước đó là những hài cốt, bây giờ chỉ là những xác chết.

"Vậy ta nói tiên tri như Ngài đã phán dặn ta; ta đang nói tiên tri, thì có tiếng, và nầy, có động đất: những xương nhóm lại hiệp với nhau. Ta nhìn xem, thấy những gân và thịt sanh ra trên những xương ấy; có da bọc lấy, nhưng không có hơi thở ở trong. "(Ê-xê-chi-ên 37:5-8)

Một lần nữa Đức Chúa Trời truyền cho Tiên tri Ê-xê-chi-ên hãy công bố sứ điệp của Ngài. Tiên tri Ê-xê-chi-ên đã nói với gió từ bốn phương hãy mang hơi thở đem sự sống đến cho những xác chết. Sau sứ điệp đó, gió đã mang hơi thở vào trong những xác chết. Những xác chết đã sống lại và trở thành một đạo quân rất đông.

" Bấy giờ Ngài phán cùng ta rằng: Hỡi con người, hãy nói tiên tri cùng gió; hãy nói tiên tri và bảo gió rằng: Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Hỡi hơi thở, khá đến từ gió bốn phương, thở trên những người bị giết, hầu cho chúng nó sống. Vậy ta nói tiên tri như Ngài đã phán dặn ta, và hơi thở vào trong chúng nó; chúng nó sống, và đứng dậy trên chân mình, hiệp lại thành một đội quân rất lớn."(Ê-xê-chi-ên 37:9-10)

Trong Tân Ước, Đức Chúa Jesus đã nói với Ni-cô-đem, một học giả Do Thái, rằng: Một người nếu không được sinh lại thì không thể thấy được nước của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Jesus nói rõ sự sinh lại đó không phải được thực hiện bởi xác thịt con người nhưng bởi nước và Đức Thánh Linh. Đức Thánh Linh hành động giống như gió. Con người không thấy gió nhưng cảm nhận được tác động của gió. Cũng vậy, con người không thấy Đức Thánh Linh nhưng sẽ cảm nhận được sự sinh lại, kết quả từ công việc của Đức Thánh Linh. Đức Thánh Linh sẽ ban cho con người một sự sống mới.

"Đức Chúa Jesus cất tiếng đáp rằng: Quả thật, quả thật, Ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời. Ni-cô-đem thưa rằng: Người đã già thì sanh lại làm sao được? Có thể nào trở vào lòng mẹ và sanh lần thứ hai sao? Đức Chúa Jesus đáp rằng: Quả thật, quả thật, Ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời. Hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt; hễ chi sanh bởi Thánh Linh là thần. Chớ lấy làm lạ về điều Ta đã nói với ngươi: Các ngươi phải sanh lại. Gió muốn thổi đâu thì thổi, ngươi nghe tiếng động; nhưng chẳng biết gió đến từ đâu và cũng không biết đi đâu. Hễ người nào sanh bởi Thánh Linh thì cũng như vậy" (Giăng 3:3-8).

Trong bức thư gởi cho Tít, một mục sư trẻ tuổi, Sứ đồ Phao-lô đã giải thích rằng sự sinh lại là sự tái tạo và đổi mới bởi Đức Thánh Linh. Điều này không phải do con người thực hiện bằng những công đức của mình, nhưng bởi Đức Thánh Linh thực hiện nhờ tình yêu và sự nhân từ của Đức Chúa Trời cùng ân điển của Đức Chúa Jesus. Nhờ ân điển đó, loài người được kể là công chính và được sự sống đời đời.

"Nhưng khi sự nhân từ và tình yêu của Đức Chúa Trời, Đấng Giải Cứu chúng ta, thể hiện, Ngài đã cứu chúng ta, không phải bởi những việc công chính chúng ta đã làm, nhưng theo sự thương xót của Ngài, qua sự thanh tẩy của sự tái tạo và sự đổi mới của Đức Thánh Linh, là Đấng mà Ngài đã tuôn đổ dồi dào trên chúng ta bởi Đức Chúa Jesus Christ, Đấng Giải Cứu chúng ta, để nhờ ân điển đó được xưng công chính, chúng ta trở nên người thừa kế niềm hy vọng về sự sống đời đời. " (Tít 3:4-7)

Báp-têm Bởi Đức Thánh Linh

Giăng Báp-tít là sứ giả do Đức Chúa Trời sai đến để chuẩn bị cho Đức Chúa Jesus. Trong trách nhiệm của một người dọn đường cho Đức Chúa Jesus, Giăng Báp-tít đã làm báp-têm cho rất nhiều người tại sông Giô-đanh. Giăng Báp-tít đã công bố cho những người đến nghe ông giảng rằng:

"Đấng đến sau ta, uy quyền hơn ta; ta không xứng đáng quỳ xuống cởi quai dép cho Ngài. Ta làm báp-têm cho các người bằng nước nhưng Ngài sẽ làm báp-têm cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh " (Mác 1:8).

Ma-thi-ơLu-ca cũng ghi lại lời công bố nầy.

"Về phần ta, ta lấy nước mà làm phép báp-tem cho các ngươi ăn năn; song Đấng đến sau ta có quyền phép hơn ta, ta không đáng xách giày Ngài. Ấy là Đấng sẽ làm phép báp-tem cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa. " (Ma-thi-ơ 3:11).
"Giăng cất tiếng nói cùng mọi người rằng: Phần ta làm phép báp-tem cho các ngươi bằng nước; song có một Đấng quyền phép hơn ta sẽ đến, ta không đáng mở dây giày Ngài. Chính Ngài sẽ làm phép báp-tem cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa. " (Lu-ca 3:16).

Sau khi Đức Chúa Jesus sống lại, trước khi Ngài về trời, Đức Chúa Jesus đã báo cho các môn đồ của Ngài rằng không bao lâu nữa họ sẽ nhận báp-têm bằng Đức Thánh Linh.

"Giăng đã làm báp-têm bằng nước nhưng ít ngày nữa các ngươi sẽ được báp-têm bằng Ðức Thánh Linh" ( Công Vụ 1:5).

Mười ngày sau khi Chúa thăng thiên, vào dịp Lễ Ngũ Tuần, các môn đệ của Chúa đã nhận báp-têm bằng Đức Thánh Linh. Tác giả sách Công Vụ đã ghi lại sự kiện này như sau:

"Đến ngày lễ Ngũ Tuần, môn đồ nhóm họp tại một chỗ. Thình lình, có tiếng từ trời đến như tiếng gió thổi ào ào, đầy khắp nhà môn đồ ngồi. Các môn đồ thấy lưỡi rời rạc từng cái một, như lưỡi bằng lửa hiện ra, đậu trên mỗi người trong bọn mình. Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, khởi sự nói các thứ tiếng khác, theo như Đức Thánh Linh cho mình nói." ( Công Vụ 2:1-4).

Trong lễ báp-têm đầu tiên bằng Đức Thánh Linh, Đức Thánh Linh đã đến như gió thổi ào ào và hiện diện trên mỗi môn đồ của Chúa trong hình dạng một ngọn lửa. Lời tiên báo của Giăng Báp-tít và lời hứa của Đức Chúa Jesus đã được ứng nghiệm.

Trong báp-têm bằng nước của Giăng Báp-tít, người nhận báp-têm được nhận chìm trong nước. Trong báp-têm bằng Đức Thánh Linh, người nhận báp-têm được chìm ngập trong Đức Thánh Linh. Những người nhận báp-têm bằng Đức Thánh Linh đầu tiên đã được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Họ có khả năng nói lưu loát những ngôn ngữ ngoại quốc, và họ đã dùng khả năng đó say sưa tôn ngợi Đức Chúa Trời và làm nhân chứng của Chúa cho những người thuộc dân tộc mà Chúa đã ban cho họ nói ngôn ngữ đó ( Công Vụ 2:5-12).

Tóm Lược

Từ ý nghĩa của chữ gió trong nguyên văn Do Thái và Hy Lạp, cũng như những ký thuật mô tả về tác động của gió trong Thánh Kinh, gió được xem là một biểu tượng của Đức Thánh Linh.

Tài Liệu