Ga-li-lê

Từ Thư Viện Tin Lành
Phiên bản vào lúc 15:49, ngày 23 tháng 1 năm 2016 của Admin (Thảo luận | đóng góp)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)
Buớc tưới chuyển hướng Bước tới tìm kiếm
Bản đồ vùng Ga-li-lê vào đầu thế kỷ thứ I


Ga-li-lê là một vùng đất thuộc phía bắc của nước Do Thái. Đây là nơi Đức Chúa Jesus đã sống phần lớn thời gian 30 năm đầu tiên của Ngài trên đất. Địa danh Ga-li-lê được viết trong tiếng Hebrew là הגליל, Latin là Galilaea, Cổ Hy Lạp là Γαλιλαία và trong tiếng Anh là Galilee.

Ga-li-lê cũng là quê hương của Tiên tri Ê-li-sê, Giô-na và Ô-sê. Mười một trong số Mười Hai Sứ Đồ của Đức Chúa Jesus cũng xuất thân từ vùng Ga-li-lê.

Địa Dư

Khu vực Ga-li-lê dài khoảng 60 dặm, rộng khoảng 30 dặm, nằm giữa Dan ở phía bắc, núi Carmel ở phía nam, sông Jordan và hồ Ga-li-lê ở phía đông, Địa Trung Hải và vùng bình nguyên ven biển ở phía tây. Xứ Ga-li-lê vào thời Đức Chúa Jesus được chia làm hai vùng là Thượng Ga-li-lê và Hạ Ga-li-lê.

Xứ Ga-li-lê gần biển Địa Trung Hải, nằm trên cao độ từ 500-700 mét, có mưa nhiều (900-1200 mm) nên xanh tốt và trù phú hơn nhiều khu vực khác trong nước Do Thái. Vì những thuận lợi này, vùng Ga-li-lê có đông người sinh sống. Vào thời Đức Chúa Jesus, theo các sử liệu của người La Mã và Do Thái, có 204 thị trấn tại vùng Ga-li-lê. Ước tính tổng cộng có trên hai triệu người sống tại các thị trấn này. Bên cạnh người Do Thái, một số người ngoại quốc đã đến sống tại vùng Ga-li-lê, trong đó có người Hy Lạp, Aramaean và Phoenician.

Vì vùng Ga-li-lê có nhiều người ngoại quốc sinh sống nên người Do Thái ở phía nam xem thường dân Do Thái tại Ga-li-lê vì cho rằng dân Ga-li-lê thường giao tiếp với người ngoại quốc nên không thuần khiết. Đức Chúa Jesus và các môn đệ Ngài được một số người Do thái gọi là dân Ga-li-lê với ý nghĩa miệt thị. Khi biết Đức Chúa Jesus quê hương tại Na-xa-rét, Na-tha-na-ên, theo quan điểm của người Do Thái thời đó, đã nhận xét: “có gì tốt xuất phát từ Na-xa-rét.” (Giăng 1:46). Na-xa-rét, quê hương của Đức Chúa Jesus, chỉ là một làng nhỏ tại vùng Ga-li-lê. Bên cạnh đó, giọng nói của người Ga-li-lê không được trang nhã như giọng nói tại Jerusalem. Đây là lý do Phi-e-rơ bị nhận diện là người theo Chúa tại dinh Cai-phe trong đêm Đức Chúa Jesus bị bắt.

Lịch Sử

Cảnh hồ Ga-li-lê

Trước khi người Do Thái vào Đất Hứa, dân Canaan sống tại Ga-li-lê. Khi người Do Thái chinh phục xứ Canaan, vùng đất Ga-li-lê được chia cho các chi tộc Asher, Naphtali, Zebulon và một phần của chi tộc Issachar. Sau khi quốc gia Do Thái được thành lập, vua Solomon đã tặng cho vua Hiram Đệ I xứ này.

Trong những thế kỷ sau, Ga-li-lê bị chiếm đóng bởi người Assyrian, Ai Cập, Hy Lạp rồi La Mã. Khi nước Do Thái bị người La Mã đô hộ, Đế quốc La Mã đã trao quyền cai trị Ga-li-lê cho Hê-rốt Đại Đế (47 B.C.–4 B.C), và sau đó cho con của ông là Herod Antipas (4 B.C.–39 A.D.), là vị vua đã cai trị trong thời Đức Chúa Jesus.

Người Ả Rập chiếm khu vực này vào năm 638 và sáp nhập Ga-li-lê vào lãnh thổ Jordan. Cuối thế kỷ thứ 10, Fatimid Caliphate, những người Hồi giáo từ Bắc Phi đến chiếm lãnh thổ Do Thái, thành lập một cộng đồng tôn giáo mới tại vùng Ga-li-lê. Sang thế kỷ 12, Thập Tự Quân chiếm lại vùng này thành lập Thủ Phủ Ga-li-lê. Đế quốc Ottoman chiếm Ga-li-lê trong thế kỷ 15 và tiếp tục cai trị cho đến đầu thế kỷ 20.

Sau Đệ Nhất Thế Chiến, Đế quốc Ottoman bị đánh bại, vùng Ga-li-lê bị người Anh cai trị, Năm 1948, nước Do Thái tái lập, Anh quốc trả cùng đất này lại cho Do Thái. Trong thập niên 1970-1980, Phong Trào Giải Phóng Palestine đánh nhau với Do Thái để giành vùng đất này. Đến năm 1993, Do Thái và Palestine ký hiệp ước Oslo công nhận sự tồn tại của nhau. Do Thái đồng ý trao vùng đất Gaza và West Bank cho người Palestine nhưng khu vực Ga-li-lê vẫn thuộc về người Do Thái. Trong 20 năm qua, tổ chức Hồi giáo Hezbollah từ Lebanon tiếp tục đánh nhau với Do Thái để giành vùng đất này. Những xung đột đó vẫn còn tiếp diễn cho tới ngày hôm nay.

Ký Thuật Trong Thánh Kinh Cựu Ước

Trong Thánh Kinh Cựu Ước, vùng đất Ga-li-lê được nhắc lần đầu tiên trong sách Dân Số Ký đoạn 34:11. Đức Chúa Trời cho Môi-se biết biên cương của lãnh thổ mà Ngài sẽ ban cho dân Do Thái làm sản nghiệp. Hồ Ga-li-lê là ranh giới của nước Do Thái về phía đông. Trong bản dịch Việt Ngữ, hồ Ga-li-lê trong thời Cựu Ước được gọi theo tiếng Hebrew là biển Ki-nê-rết (Dân Số Ký 34:11).

Sau khi Môi-se qua đời, sách Giô-suê chương 12 ký thuật vua Sihon của người Amorites đã bị người Do Thái đánh bại và Ga-li-lê là một trong những vùng đất do vua này cai trị đã bị người Do Thái chiếm (Giô-suê 12:2-4, 13:26-28).

Giô-suê 20:7 cho biết vùng đất Ga-li-lê sau đó đã được phân chia cho các chi tộc Asher, Naphtali, Zebulon và Issachar. Riêng thành Kedesh của xứ Ga-li-lê được chia làm sản nghiệp cho chi tộc Levi (I Sử Ký 6:76) và được dùng làm thành ẩn náu cho những người ngộ sát (Giô-suê 21:32).

Các Quan Xét 1:30-33 chép rằng các chi tộc Asher, Naphtali, Zebulon và Issachar đã không đuổi dân Canaan đi nhưng sống chung với người bản xứ và bắt dân Canaan phục dịch họ. Về sau, người Canaan mạnh lên đã đánh lại người Do Thái khiến người Do Thái gặp nhiều khó khăn. Ba-rác, thủ lãnh của người Naphtali, đã nhờ nữ tiên tri Đê-bô-ra giúp đánh lại người Canaan (Các Quan Xét 4:6-10). Những xung đột giữa người Do Thái và người bản xứ từ thời đó vẫn còn kéo dài cho tới ngày hôm nay.

Đến thời vua Salomon, vùng Ga-li-lê được tặng cho vua Hiram Đệ I để thưởng công cho ông trong việc cung cấp vật liệu giúp xây dựng cung điện và đền thờ tại Jerusalem (I Các Vua 9:10-11). Mặc dầu đây là khu vực trù phú của nước Do Thái và địa thế rất thuận lợi nhưng vua Hiram không hài lòng nên đã đặt tên cho lãnh thổ này là Ca-bun, nghĩa là không có giá trị gì hết.

Sau khi nước Do Thái bị chia đôi, khi vua Phê-ca cai trị Israel, vua Tiglath-Pileser của Assyria đã chiếm vùng Ga-li-lê của người Naphtali rồi đem dân cư cho lưu đày sang Assyria (II Các Vua 15:29). Bên cạnh đó, Tiglath-Pileser đem cư dân của các quốc gia khác đến định cư tại Ga-li-lê.

Vì dân chúng từ nhiều quốc gia sống tại vùng Ga-li-lê cho nên Tiên tri Ê-sai 8:23 (trong các bản dịch cũ) và 9:1 (trong bản dịch 2011) đã gọi vùng đất này là “xứ Ga-li-lê của dân ngoại.” Tiên tri Ê-sai cho biết vùng đất này là nơi Đấng Cứu Thế sẽ xuất hiện. Lời tiên tri này về sau đã được Ma-thi-ơ trích dẫn trong Ma-thi-ơ 4:15-16.

Ký Thuật Trong Thánh Kinh Tân Ước

Trong Tân Ước, Ga-li-lê được nhắc đến rất nhiều lần vì đây là quê hương của Đức Chúa Jesus. Đức Chúa Jesus đã khởi hành chức vụ của Ngài tại vùng Ga-li-lê; sau đó Chúa đã quay lại Ga-li-lê hai lần để dạy dỗ.

Trong Tân Ước, mặc dù tên vùng đất Ga-li-lê không thay đổi, các tác giả Phúc Âm đã gọi hồ Ga-li-lê với vài tên gọi khác nhau. Lu-ca dựa theo tên nguyên thủy, viết theo phiên âm Hy Lạp, gọi là hồ Ghê-nê-sa-rết (Lu-ca 5:1). Ma-thi-ơ, Mác và Giăng theo cách dùng của người địa phương chép là biển Ga-li-lê. Lu-ca gọi là hồ Ga-li-lê. Phúc Âm Giăng ghi là biển Ti-bê-ri-át (Giăng 6:1, 23) dựa theo tên của thành phố Tiberias được Hê-rốt Đại Đế xây dựng trên bờ phía tây của hồ Ga-li-lê khoảng 20 năm trước khi Chúa giáng sinh.

Đức Chúa Jesus khởi đầu chức vụ của Ngài tại Ga-li-lê. Chúa gọi các môn đồ đầu tiên tại đây (Ma-thi-ơ 4:18-22; Mác 1:14-20; Lu-ca 4:14-15; 5:1-11). Chúa làm phép lạ tại Cana (Giăng 2:1-11). Sau đó, Đức Chúa Jesus đi khắp miền Ga-li-lê giảng dạy trong các các nhà hội và rao truyền Tin Lành (Ma-thi-ơ 4:23-25; Mác 1:21-45). Chúa cũng về Na-ra-rét, quê hương của Ngài (Lu-ca 4:14-30) và đến Ca-bê-na-um, một thành phố ven bờ Ga-li-lê, để truyền giảng (Lu-ca 4:31-37).

Dân chúng trong vùng Ga-li-lê ngạc nhiên về nội dung và thẩm quyền trong lời giảng của Đức Chúa Jesus. Họ kinh ngạc vì thấy Ngài có uy quyền trên trên tà linh, trên bệnh tật và trên thiên nhiên (Lu-ca 5:1-11). Danh tiếng Chúa được loan truyền khắp vùng Ga-li-lê, rồi từ đó truyền sang những nơi khác. Dân chúng trong miền Ga-li-lê, từ xứ Giu-đê, từ Jerusalem, từ những vùng đất phía đông sông Jordan, từ khu đô thị Decapolis (Deca: mười, polis: thành) kéo đến Ga-li-lê để được nghe Chúa giảng và được Ngài chữa bệnh. Các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái từ những vùng phụ cận trong xứ Ga-li-lê và từ thủ đô Jerusalem đến gặp Chúa với mục đích quan sát, điều tra, và chất vấn Chúa (Lu-ca 5:17-26).

Bên cạnh những phép lạ, giai đoạn đầu trong chức vụ của Chúa tại Ga-li-lê được đánh dấu bằng Bài Giảng Trên Núi bao gồm những phước lành, những lời giải nghĩa của Chúa về Thánh Kinh Cựu Ước, những ẩn dụ Chúa dạy và Bài Cầu Nguyện Của Chúa (Ma-thi-ơ 5, 6, 7).

Giai đoạn thứ hai trong chức vụ của Đức Chúa Jesus tại vùng Ga-li-lê bắt đầu khi Chúa từ trên núi trở xuống (Ma-thi-ơ 8:1). Giai đoạn này bắt đầu với phép lạ chữa lành bệnh phung, chữa bệnh cho đầy tớ một sĩ quan La Mã, chữa bệnh cho mẹ vợ của Phi-e-rơ, Chúa dẹp yên bão tố, đuổi quỷ tại Ga-đa-ra, chữa bệnh bại, cứu sống con gái Giai-ru, và rất nhiều tật bịnh khác (Ma-thi-ơ 8, 9).

Giai đoạn thứ hai trong chức vụ của Đức Chúa Jesus tại Ga-li-lê đánh dấu bằng việc Chúa chọn Mười Hai Sứ Đồ từ các môn đồ, và ủy thác cho họ trách nhiệm rao truyền Phúc Âm cho những nơi khác (Ma-thi-ơ 10). Những lời dạy của Chúa trong giai đoạn này bao gồm: những ẩn dụ về nước thiên đàng, người gieo giống, hạt giống, men, hạt cải, ngọc trai, lưới cá, kho tàng kín giấu.

Giai đoạn thứ ba trong chức vụ của Đức Chúa Jesus tại khu vực Ga-li-lê bắt đầu sau khi Giăng Baptist bị vua Hê-rốt giết. Trong giai đoạn này Chúa đi ngang qua vùng Ga-li-lê và dành thì giờ cho các sắc dân ngoại quốc. Trước khi đi, Chúa trả lời cho người Pharisi về vấn đề tinh sạch (Ma-thi-ơ 15:1-20). Sau đó, Chúa đến thăm địa giới quanh thành Ty-rơ và Si-đôn. Chúa sang khu vực Mười Thành (Decapolis) của người Hy Lạp. Các phép lạ trong giai đoạn này bao gồm hai lần Chúa hóa bánh nuôi đám đông, Chúa đi bộ trên mặt biển, Chúa chữa lành mười người phung, chữa bệnh cho con gái của một phụ nữ Canaan, chữa lành người câm.

Những lời dạy dỗ của Chúa trong giai đoạn này bao gồm vấn đề tinh sạch, sự cao trọng thật và sự tha thứ. Chúa cũng cảnh cáo các môn đệ về men của những người Phi-ri-si và Sa-đu-sê. Ngài báo cho các môn đệ biết trước về sự chết và sự sống lại của Chúa.

Địa danh Ga-li-lê được nhắc đến lần chót trong Thánh Kinh Tân Ước trong sách Công Vụ. Mặc dầu trước khi về trời Đức Chúa Jesus không dặn các môn đồ phải truyền giảng tại xứ Ga-li-lê ( Công Vụ 1:8), có lẽ vì Chúa đã giảng tại khu vực này nhiều lần; dầu vậy Công Vụ 9:31 cho biết Hội Thánh tại vùng Ga-li-lê đã được thành lập và phát triển. Phi-e-rơ ghi nhận Ga-li-lê là nơi Phúc Âm của Chúa bắt đầu được rao giảng (Công 10:36-38). Trong bài giảng cho người Do Thái tại An-ti-ốt, Phao-lô xác nhận những người theo Chúa đầu tiên là những người từ vùng Ga-li-lê.

Thành Ngữ “Người Ga-li-lê”

Trong ngôn ngữ phổ thông, danh từ “người Ga-li-lê” chỉ về cư dân sống tại vùng Ga-li-lê. Sau khi Đức Chúa Jesus khởi hành chức vụ, những lời giảng và phép lạ Chúa làm đã để lại ấn tượng sâu đậm cho người Do Thái vào thời đó. Đức Chúa Jesus và đa số môn đồ Ngài là dân Ga-li-lê. Khi Chúa và các môn đồ Ngài đến Jerusalem, dân Giu-đê ở phương nam gọi Chúa và các môn đệ Ngài là những người Ga-li-lê. Thành ngữ “Người Ga-li-lê” – danh từ số ít, viết hoa – trong một số sách vở về sau được dùng chỉ về Đức Chúa Jesus.

Trong Kinh Thánh, danh từ “những người Ga-li-lê” ngoài nghĩa phổ thông là dân Ga-li-lê, danh từ này được dùng như một thành ngữ với ý nghĩa đặc biệt để chỉ về những người theo Chúa. Khi Ni-cô-đem tìm cách ngăn cản các nhà lãnh đạo Do Thái giáo bắt Chúa, họ đã hỏi Ni-cô-đem: “Ngươi cũng là người Ga-li-lê sao?” (Giăng 7:52). Trong đêm Đức Chúa Jesus bị bắt, tại dinh Cai-phe, Phi-e-rơ đã bị nhận diện: “người này theo Jesus, là người Ga-li-lê” (Lu-ca 22:59). Các thiên thần cũng gọi các môn đệ của Chúa là “người Ga-li-lê” (Công Vụ 1:11).

Tài Liệu