Johann Sebastian Bach

Từ Thư Viện Tin Lành
Phiên bản vào lúc 02:54, ngày 9 tháng 1 năm 2020 của Admin (Thảo luận | đóng góp) (Added mp3 and pdf)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)
Buớc tưới chuyển hướng Bước tới tìm kiếm

Sơ Lược Tiểu Sử

Johann Sebastian Bach sinh ngày 21/3/1685 tại Eisenach, Đức quốc, trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Johann Sebastian Bach mồ côi mẹ lúc 8 tuổi; tám tháng sau cha của Bach cũng mất. Lúc nhỏ, Johann Sebastian Bach được cha; rồi sau đó, chú và một người anh dạy nhạc. Lúc còn sống, Johann Sebastian Bach nổi tiếng khắp Âu Châu về tài đánh đàn phong cầm. Bên cạnh việc trình diễn và dạy nhạc, Johann Sebastian Bach cũng sáng tác. Ông viết 1.126 tác phẩm, gần như đủ mọi thể loại âm nhạc cổ điển, ngoại trừ opera; tuy nhiên không mấy người cùng thời với Bach đánh giá cao tài năng sáng tác của ông. Trước hết, nhạc của Johann Sebastian Bach nhấn mạnh đến niềm tin nơi Đức Chúa Trời. Thứ hai, những người đương thời cho rằng nhạc của Johann Sebastian Bach thuộc trường phái xưa cũ, lỗi thời, không còn được yêu chuộng nữa. Sau khi Johann Sebastian Bach qua đời, những bản cantatas của Bach được gói thành bó và bán chỉ khoảng 40 đô-la. Tấm bảng đồng về Nghệ Thuật Fugue bị đem nấu làm đồ phế thải. Những bản thảo viết tay của Bach được dùng làm giấy gói ở tiệm bán thịt và các tiệm bán hàng. Hai con trai của Johann Sebastian Bach là Karl Philipp Emanuel Bach và Johann Christian Bach, trong khi đó, lại nổi tiếng về khả năng soạn nhạc hơn cha. Đến cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, một thế hệ nhạc sĩ xuất sắc xuất hiện tại Âu Châu. Các nhạc sĩ Wolfgang Amadeus Mozart, Ludwig van Beethoven, Fédéric Chopin, Robert Schumann và Felix Mendelssohn có dịp nghiên cứu nhạc của Bach và họ khám phá ra Johann Sebastian Bach là một bậc thầy trong nghệ thuật viết nhạc cho đàn phong cầm và đàn phím nói chung. Beethoven đã gọi Johann Sebastian Bach là “ông tổ của hòa âm.” Dầu vậy, tài năng sáng tác của Johann Sebastian Bach vẫn chưa được công chúng biết đến cho tới khi Felix Mendelssohn cho trình bày tác phẩm The Passion According to St. Matthew vào năm 1829 tại Berlin. Năm 1833, tác phẩm The Passion According to St. John được giới thiệu trở lại với công chúng. Đây là những tác phẩm mà Johann Sebastian Bach viết về sự thống khổ của Chúa Giê-xu để trình bày vào dịp lễ Phục Sinh. Sau khi hai tác phẩm trên được giới thiệu trở lại, công chúng hiểu rõ giá trị âm nhạc mà Johann Sebastian Bach đã sáng tác. Mặc dầu Bach không phát minh ra một thể loại nhạc hay phong cách mới nào, tuy nhiên điều độc đáo trong tác phẩm của Bach đó là người nghe có thể nhận thức được sự khoáng đạt của khái niệm, nhận biết sự vĩ đại của tác phẩm, khám phá những tư tưởng cao quý và cảm nhận tình cảm sâu lắng được thể hiện rất rõ ràng. Đến năm 1850, Bach Society, hội những người yêu mến nhạc của Bach, được thành lập. Bach Society phải mất 46 năm để sưu tầm những tác phẩm của Johann Sebastian Bach. Mặc dầu nhiều tác phẩm bị thất lạc hoặc thiêu hủy, số tác phẩm còn lại của Bach được phát hành với 60 quyển. Từ đó, nhạc của Johann Sebastian Bach được trình diễn tại nhiều nơi trên thế giới.

Niềm Tin và Sáng Tác

Johann Sebastian Bach là một tín hữu Tin Lành nhiệt thành. Trọng tâm của cuộc đời ông là viết nhạc và phục vụ Chúa. Khi Bach qua đời, tài sản của ông ngoài một số nhạc cụ, điều quý giá nhất mà ông đã gìn giữ là 52 cuốn sách về Cơ Đốc giáo và thần học; trong đó có những bộ giải nghĩa Kinh Thánh và thần học do Martin Luther biên soạn, và một cuốn Kinh Thánh tiếng Đức theo bản dịch của Martin Luther. Johann Sebastian Bach là người rất yêu mến Chúa và kính sợ Chúa. Ngoài trách nhiệm làm nhạc trưởng, soạn nhạc và dạy nhạc cho học trò, ông cũng là người dạy giáo lý căn bản cho nhiều tín hữu tại nhà thờ St. Thomas. Johann Sebastian Bach là người thường xuyên đọc Kinh Thánh và hiểu biết Kinh Thánh tường tận. Trong rất nhiều tác phẩm của Bach, ông dùng nguyên văn Kinh Thánh trong tiếng Đức làm lời ca. Johann Sebastian Bach thường viết trên các bản nhạc của mình những dòng chữ SDG, INJ và JJ, là chữ viết tắt của Soli Del Gloria (SDG) – vinh quang chỉ thuộc về Đức Chúa Trời, In Nomine Jesu (INJ) – trong danh Chúa Giê-xu, và Jesu Juva (JJ) – Chúa Giê-xu xin giúp con. Từ khi phong trào Cải Chánh diễn ra, người Tin Lành nhấn mạnh đến tư tưởng thần học: vinh quang chỉ thuộc về Đức Chúa Trời (Giê-rê-mi 13:16), là một tín hữu Tin Lành nhiệt thành Bach hiểu được điều đó. Bach cũng nhận biết vị trí của mình trên cõi đời và ông cầu xin Chúa giúp đỡ hướng dẫn mình trong cuộc sống (Ma-thi-ơ 15:25). Bach cũng biết mọi việc ông làm là vì danh Chúa (Cô-lô-se 3:17). Khác với nhiều nhạc sĩ cổ điển, Johann Sebastian Bach dành trọn cuộc đời ông để viết nhạc thờ phượng Chúa. Phần lớn tác phẩm của Johann Sebastian Bach là thánh nhạc. Để dạy cho đứa con đầu lòng học đàn phong cầm, Johann Sebastian Bach đã viết một cuốn sách tựa đề Orgelbuchlein (Tiểu khúc cho đàn phong cầm) gồm 45 bài thánh ca ngắn của Giáo hội Lutheran, mà Bach viết phần hòa âm cho đàn phong cầm để con trai thực tập. Khi làm nhạc trưởng cho nhà thờ St. Thomas tại Leipzig, Johann Sebastian Bach đã viết hơn 300 cantatas, là những bài thánh ca để hát có cả phần hòa âm cho dàn nhạc phụ họa. Những cantatas này được sáng tác để trình bày trong giờ thờ phượng vào mỗi sáng Chúa Nhật. Johann Sebastian Bach lấy ý để viết các cantatas này từ Kinh Thánh và các sách giải nghĩa Kinh Thánh và thần học. Đến nay, các nhà nghiên cứu âm nhạc chỉ tìm lại được khoảng hơn 200 cantatas; số còn lại đã mất hoặc bi thiêu hủy. Một vài cantatas điển hình như Jesus Christ, the Son of God (Cantata No. 4), Christ Lay in the Bonds of Death (Cantata No. 104), Jesus, Joy of Man’s Desiring (Cantata No. 147). Bên cạnh đó, một số tác phẩm do Johann Sebastian Bach sáng tác được các nhà nghiên cứu đánh giá là những tác phẩm hay nhất từ trước cho tới nay trong nhạc cổ điển. Vài tác phẩm tiêu biểu gồm có The Passion According to St. John, The Passion According to St. Matthew, và Mass in B Minor. Passion, giống như Oratorio, là một thể loại âm nhạc khá lớn bao gồm phần hòa tấu viết cho dàn nhạc, bài hát viết cho ban hợp xướng và bài hát cho các ca sĩ đơn ca. Trong Giáo hội Tin Lành, nội dung của Oratorio được trích từ các câu chuyện trong Kinh Thánh. Trong Giáo hội Công giáo, Oratorio được viết về đời sống các thánh. Nội dung của Passion khác với Oratorio là lời ca chỉ nói về sự hy sinh của Chúa Giê-xu mà thôi. Trong Passion, ca sĩ tenor đóng vai trò người dẫn chuyện. Khi thuật đến các nhân vật nào trong câu chuyện, ca sĩ giữ vai trò nhân vật đó, trình bày phần của mình qua các giai điệu dưới hình thức đơn ca (aria) hay điệp khúc (recitative). Ban hợp xướng, đóng vai trò của đám đông. Câu hát của ban hợp xướng như là lời bình phẩm về những điều đang diễn ra. Đôi khi, các tín hữu cùng phụ họa với ban hợp xướng làm tăng thêm cường độ của bản hòa tấu.

Vài Thánh Nhạc Nổi Tiếng

The Passion According to St. John được Johann Sebastian Bach sáng tác vào năm 1724. Tựa đề của tác phẩm tạm dịch sang tiếng Việt là Sự Thương Khó của Chúa Giê-xu theo Phúc Âm Giăng. The Passion According to St. John được chia làm 2 phần, gồm 5 cảnh với 40 tiểu khúc. Phần một gồm cảnh tại khe Kết-rôn và cảnh tại dinh Cai-phe. Phần hai gồm cảnh gặp Phi-lát, cảnh tại đồi Gô-gô-tha và cảnh tại phần mộ. Nội dung của tác phẩm dựa trên Phúc Âm Giăng đoạn 18 và 19. Khi viết lời ca cho các bài hát trong tác phẩm này, Bach đã trích chính xác từng chữ từ bản dịch Kinh Thánh tiếng Đức vào năm 1539 của Martin Luther. Tuy nhiên, có một ngoại lệ là Bach thêm vào cảnh Phi-e-rơ chối Chúa và cảnh bức màn trong đền thờ bị xé đôi; do Phúc Âm Giăng không ký thuật lại những phần này nên Bach phải mượn lời ca từ Phúc Âm Ma-thi-ơ. Toàn bộ tác phẩm được trình bày trong vài tiếng đồng hồ. The Passion According to St. Matthew, Sự Thương Khó của Chúa Giê-xu theo Phúc Âm Ma-thi-ơ, được ra mắt vào năm 1727. Nội dung tác phẩm dựa theo Phúc Âm Ma-thi-ơ chương 26 và 27. Trong The Passion According to St. Matthew, ngoài số ca sĩ đơn ca bình thường, Bach dùng đến hai ban nhạc giao hưởng và hai ban đồng ca. Tác phẩm gồm hai phần tương phản nhau. Phần đầu dịu dàng hướng về nội tâm. Phần thứ hai mang nhiều kịch tính. Trong tác phẩm này, Bach trình bày sự đau thương của Chúa với lòng xúc cảm, với sự tôn kính và nỗi buồn sâu xa. Toàn bộ tác phẩm chia làm 68 tiểu khúc. Lời của Chúa Giê-xu được trình bày thật trang trọng với sự phụ họa của toàn bộ đàn dây. Trong The Passion According to St. Matthew, Bach trình bày sự hy sinh của Chúa thật sống động, đầy xúc cảm, đầy nội tâm, và đầy lòng kính yêu và trìu mến. Vài bài hát đáng lưu ý trong tác phẩm này là My Savior Now is Dying from Love Unbound (Cứu Chúa Của Con Đang Hy Sinh Bằng Tình Yêu Vô Biên), In Deepest Grief We Sit Here Weeping (Chúng Con Ngồi Đây Khóc Trong Nỗi Đau Sâu Xa). Là một nhạc sĩ Tin Lành, nhưng Johann Sebastian Bach không ngại viết Mass, một thể loại âm nhạc theo phong cách Công giáo, để tôn vinh Đức Chúa Trời. Trong Passion, Johann Sebastian Bach bày tỏ xúc cảm nội tâm của một tín hữu dành cho Cứu Chúa; trong Mass in B Minor, Bach dùng các cấu trúc âm nhạc để trình bày vinh quang vĩ đại của Đức Chúa Trời. Toàn bộ tác phẩm Mass in B Minor gồm 27 phần bao gồm 18 bài hợp xướng, 6 bài đơn ca và 3 bài song ca. Những ca khúc nổi tiếng trong tác phẩm này là Gloria, Crucifixus, Credo, Beneditus, và Agnus Dei. Hans Georg Nageli, một nhà nghiên cứu âm nhạc trong thế kỷ 19 đã gọi Mass in B Minor là “tác phẩm âm nhạc vĩ đại nhất của mọi người trong mọi thời đại.”

Vài Ghi Nhận

Johann Sebastian Bach về với Chúa vào ngày 28/7/1750. Thi thể của ông được an táng tại sân nhà thờ St. Thomas, Leipzig, như một người vô danh không có mộ bia. Năm 1894, sau khi uy tín của Johann Sebastian Bach được ghi nhận, di hài của ông được mang về lưu giữ tại nhà thờ St. John. Vào Đệ Nhị Thế Chiến, ngôi nhà thờ này bị trúng bom. Năm 1950, di hài của Johann Sebastian Bach lại được đem trở về an táng tại nhà thờ St. Thomas. Lúc còn sống, khi nhận định về âm nhạc, Johann Sebastian Bach cho rằng âm nhạc là một món quà từ Đức Chúa Trời và âm nhạc phải được dùng cho mục đích phục vụ Chúa và tôn vinh Ngài. Bach viết nhạc rất nhiều và ông sáng tác với mục đích tôn kính Chúa chứ không phải để được người đời khen chê. Người đương thời của Bach không hiểu ông nhưng Đức Chúa Trời không để Bach thiệt thòi. Gần 100 năm sau khi Bach qua đời, công chúng hiểu được nhạc của Johann Sebastian Bach. Các tác phẩm của ông được trình bày tại nhiều nơi trên thế giới và được cải soạn cho nhiều nhạc cụ khác nhau và trở thành các tác phẩm tiêu biểu của nhạc cổ điển. Ngày nay, Johann Sebastian Bach được xem là một trong những nhạc sĩ sáng tác xuất sắc nhất trong thế kỷ 18 thuộc trường phái Baroque. Vị trí của Johann Sebastian Bach trong âm nhạc cổ điển được so sánh với William Shakespeare trong văn học và Isaac Newton trong lĩnh vực nghiên cứu giảng dạy. Mặc dầu Johann Sebastian Bach là một nhạc sĩ Tin Lành và ông đã tận hiến trọn cả cuộc đời để viết thánh nhạc, nhạc của Johann Sebastian Bach chưa được phổ biến nhiều tại Việt Nam. Thánh ca của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam chỉ có một bài Thánh Thủ (O Sacred Head Now Wounded) lược trích từ The Passion According to St. Matthew; được dịch từ năm 1924, tuy nhiên bài thánh ca này cũng ít khi được hát. Phúc Âm, hay Tin Lành, là tình yêu và sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời dành cho loài người được thể hiện qua sự hy sinh của Chúa Giê-xu. Johann Sebastian Bach được các nhà nghiên cứu tặng cho biệt danh: The Fifth Evangelist, người viết Phúc Âm thứ năm. Tuy nhiên, khác với Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng, Johann Sebastian Bach không dùng sách vở, nhưng dùng âm nhạc, để trình bày tình yêu của Chúa. Với phương tiện Internet ngày nay, chúng ta có dịp nghe các tác phẩm của những nhạc sĩ bậc thầy trong làng nhạc cổ điển. Nhân mùa Phục Sinh, mời bạn lắng nghe một số thánh nhạc mà Johann Sebastian Bach đã viết về sự hy sinh của Cứu Chúa Giê-xu. Hy vọng bạn sẽ cảm nhận được tình yêu sâu xa từ Thiên Chúa mà tác giả muốn giới thiệu cho mọi người, trong đó có chính bạn.

Tài Liệu

Ca Khúc

Nhạc Đệm

Nhạc

load PDF

Tài Liệu Tham Khảo